A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyên mục "Mỗi tuần là một cuốn sách hay" tuần thứ 4 của trường Tiểu học Lĩnh Nam

Sự tích Trầu cau

Ngay từ xa xưa, trầu và cau đã rất gắn bó với cuộc sống của người dân Việt Nam, ông bà ta coi “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Trầu cau không thể thiếu trong những cuộc lễ hội, cưới xin hay thờ cúng tổ tiên. Chúng vừa thật gần gũi, nhưng cũng thật thiêng liêng. Trong kho tàng truyện cổ dân gian nước ta, “Sự tích trầu cau” là một câu chuyện đầy xúc động. Bởi vì câu chuyện này không những cắt nghĩa nguồn gốc ăn trầu của dân ta mà còn thể hiện đạo lí tốt đẹp từ nghìn đời của ông cha ta còn lưu truyền mãi cho con cháu đời sau.

 

Trầu cau kể về hai anh em là Tân, Lang và người con gái của thầy đạo sĩ họ Lưu. Trầu Cau là câu chuyện về tình cảm của gia đình, tình cảm anh em hòa thuận và tình nghĩa vợ chồng, nó mang tới cho hậu thế nhiều ý nghĩa sâu sắc và cho tới ngày nay sự tích ấy vẫn mang nhiêu màu sắc và mỗi khi người ta nhai trầu cau không ai không nhắc tới câu chuyện đầy tình cảm này.

Truyện kể rằng, Tân và Lang là hai anh em, giống nhau như hai giọt nước khiến cho ai cũng nhầm không biết đâu là anh và đâu là em. Chính vì thế mà mới dẫn đến câu chuyện đau lòng. Trước khi bố mẹ của hai anh em mất đi, đã gửi Tân cho một thầy đạo sĩ tên Lưu dạy dỗ nhưng khi cha mẹ mất thì hai anh em quyết định đi cùng nhau.

 

Khi tới nhà họ Lưu, Tân và cô con gái đạo sĩ đem lòng yêu nhau nhưng cô không phân biệt được đâu là anh, đâu là em. Để phân biệt, cô gái mang một đôi đũa và một bát cháo ra thì biết được bởi chỉ có anh mới nhường nhịn em như thế. Được gia đình bên cô gái chấp thuận, Tân đã cùng cô gái nên duyên vợ chồng. Ít lâu sau, họ chuyển ra một ngôi nhà mới. Họ sống với nhau ba người rất vui vẻ. Từ khi có vợ, Tân cũng ít quan tâm em hơn.

Vào một ngày nọ, khi hai anh em đi làm nương, Lang về trước chị dâu tưởng chồng mình liền chạy tới ôm nhưng đúng lúc ấy Tân lại về. Thấy vậy, Tân giận em và ghen tức và nghĩ là Lang làm điều không phải.  Người em cũng vừa giận vừa thẹn và bỏ nhà ra đi. Anh cứ đi mãi đi mãi tới bờ một con sông lớn, xung quanh không nghe thấy một tiếng gà gáy, một tiếng chó sủa. Lang ngồi cúi gục trên bờ, ôm mặt khóc, khóc mãi đến nỗi những con chim đi kiếm ăn khuya vẫn còn nghe tiếng nức nở. Sáng hôm sau, Lang chỉ còn là một cái xác không hồn và đã hóa đá.

Tân không thấy em về, biết là em bỏ đi vì giận mình. Chàng lấy làm hối hận. Hôm sau nữa, cũng không thấy em về, Tân lẳng lặng cất bước đi tìm em mà không nói gì với vợ. Sau mấy ngày, chàng đã đến bờ một con sông rộng, Tân đi men dọc sông, cuối cùng chỉ thấy có một hòn đá. Tân tựa vào hòn đá khóc mãi cho đến lúc chỉ còn có tiếng nước cuồn cuộn chảy dưới bờ mà thôi. Tân chết và hóa thành một cây thân mọc thẳng lên trời, bên cạnh hòn đá.

Vợ của Tân vì mãi chẳng thấy chồng về nên đã lên đường đi tìm. Đi mãi đi mãi cô khóc hết nước mắt và đến bên bờ sông nơi có hòn đá và cây thân mọc thẳng. Cô chết trên bờ và hóa thành một cây leo cuốn quanh cây cao thẳng tắp ấy thể hiện tiết hạnh của cô.

Tác giả dân gian đã không nỡ để họ chia lìa nên cho họ hóa thân để ở gần nhau, ôm ấp quấn quýt nhau, thành một biểu tượng đẹp đẽ về tình anh em, chồng vợ. Tác giả đã xây dựng cho cây trầu (sự hóa thân của người vợ) leo lên ôm ấp lấy cây cau (sự hóa thân của người chồng) để biểu hiện tình cảm vợ chồng thủy chung, gắn bó. Sự hóa thân này như một sự minh chứng cho tấm lòng thủy chung, trong sáng của người vợ và việc đã xảy ra với người em chồng chỉ vì nhầm mà thôi.

Cho tới bây giờ hình ảnh trầu cau vẫn là hình ảnh đẹp, gắn kết những tình cảm con người với nhau mỗi khi gặp mặt. Miếng trầu của ông bà ta có thêm vôi (từ hòn đá người em hóa thành) thì càng đậm đà, càng say hơn cũng như tình cảm anh em, tình cảm vợ chồng  - Tình cảm anh em ngày thêm gắn chặt, tình cảm vợ chồng càng đong đầy hạnh phúc, thiêng liêng bền lâu.                                                                          

 Học sinh Nguyễn Ngọc Hưng – Lớp 5A1


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan